Đặc điểm sinh lý của trâu, bò là khả năng chịu nhiệt kém nên khi gặp thời tiết nắng nóng, trâu, bò sữa sẽ mắc nhiều bệnh tật, sức khỏe giảm sút, hiệu quả chăn nuôi thấp. Thời tiết nắng nóng thường xuyên kéo dài, nhiệt độ cao ảnh hưởng đến sức khỏe, sinh trưởng, phát triển, nguy cơ xuất hiện và lây truyền dịch bệnh cho vật nuôi là rất cao. Để đảm bảo khả năng chịu nắng nóng của trâu, bò người nuôi cần các biện pháp để chống nóng hiệu quả cho đàn vật nuôi. Bài viết dưới đây chúng tôi sẽ chia sẻ đến bà con cách chống nóng hiệu quả cho đàn vật nuôi.
Mục Lục
Xây chuồng trại cho vật nuôi
- Nên làm chuồng gia súc xa nhà dân, khu dân cư.
- Mái chuồng nên làm đơn giản, có thể bằng mái ngói, tranh, tre, lá để chống được nóng trực tiếp. Nếu có điều kiện nên làm chuồng theo kiểu chuồng 2 mái để tăng cường độ thoáng của chuồng nuôi.
- Có thể trồng thêm một số loại dây leo phủ mái như dây bìm bìm, hoa giấy, giàn muớp v.v …để làm mát
- Hệ thống che chắn xung quanh chuồng cũng nên làm bằng lá; tranh tre tạo sự thông thoáng. Tuy nhiên cũng cần lưu ý trong những ngày nắng nóng thường có những trận mưa đột xuất. Nhất là về đêm thì cần nhanh chóng che chắn. Để đảm bảo cho bò không bị nhiễm lạnh đột ngột .
- Tăng cường trồng các loại cây xanh xung quanh khu vực chuồng nuôi để tạo bóng mát.
- Mái hiên cách mặt đất tối thiểu 2 m; nền chuồng đảm bảo cao ráo dễ thoát nước, làm theo hướng Đông – Nam là tốt nhất.
Thiết kế hệ thống chống nắng nóng chuồng nuôi
Làm hệ thống quạt thông gió
Nên đặt quạt thông gió theo thế nằm ngang, quạt theo hướng gió thổi. Độ cao của quạt ở ngang tầm lưng của gia súc. Mục đích của quạt là làm giảm ẩm độ các khí CO2, NH3,… có trong chuồng nuôi. Quạt treo từ trần chuồng thổi gió xuống dưới hiệu quả chống nóng thấp vì thường thổi khí nóng từ mái chuồng xuống gia súc. Đối với chuồng kín cần cải tạo cho thông thoáng hoặc đặt quạt thông gió để tăng cường đối lưu không khí, giảm nhiệt độ và khí độc trong chuồng.
Làm hệ thống giàn mưa, phun ẩm
Nên làm hai hệ thống phun mưa trong chuồng nuôi và trên mái chuồng là tốt nhất. Hệ thống phun mưa trong chuồng nuôi lắp cách mặt nền khoảng 2,5 m. Để trực tiếp phun nước làm giảm nhiệt độ nóng trong chuồng nuôi và làm mát cho cơ thể bò. Hệ thống giàn mưa trên nóc chuồng nuôi nhằm giảm nhiệt độ mái chuồng lúc trời nắng to khi nhiệt độ bên ngoài trời lên cao trên 35-400C. Khi phun mưa cần quan tâm đến việc tăng cường thông gió; thoát nước ở xung quanh chuồng để tránh nâng cao ẩm độ trong chuồng.
Chế độ chăm sóc vật nuôi
Những ngày nắng nóng nhiệt độ, ẩm độ trong chuồng nuôi cao. Cơ thể gia súc, gia cầm phải chống đỡ với những điều kiện bất lợi đó, thường bỏ ăn, uống nhiều. Cần phải thực hiện một số biện pháp sau: Tăng cường khẩu phần ăn xanh như rau cỏ tươi, củ, quả và các loại vitamin…Tăng cường khẩu phần đạm, giảm tinh bột, mỡ, đường trong khẩu phần.
Phương pháp phòng bệnh
Cần thực hiện các biện pháp về chăn nuôi an toàn sinh học: Giảm nhiệt độ chuồng nuôi bằng cách vệ sinh chuồng nuôi sạch sẽ. Đồng thời, thu gom phân đưa vào hố chứa phân, rắc vôi bột trên bề mặt và đậy nắp. Định kỳ mỗi tuần sát trùng, tẩy uế chuồng trại và khu vực xung quanh chuồng nuôi từ 1 – 2 lần. Qua đó để tiêu diệt mầm bệnh bằng vôi bột hoặc các loại thuốc sát trùng như Benkocid, Han-Iodine, Five-Iodine, RTD-Iodine,…
Hàng ngày quan sát, theo dõi trạng thái, sức khỏe của đàn vật nuôi. Khi phát hiện thấy trâu, bò có biểu hiện không bình thường. Do cảm nắng, cảm nóng, do vận chuyển có mật độ nhốt cao…Cần áp dụng ngay các biện pháp làm mát để hạn chế rủi ro. Cần tách riêng trâu, bò ra nơi có bóng mát, tạo sự thông thoáng nơi nhốt, dùng ngay hệ thống quạt làm mát nhưng không nên cho thổi trực tiếp vào trâu, bò, tránh cho trâu, bò bị sốc, choáng. Có thể dùng đá lạnh chườm mát vùng đầu, vùng mặt; đồng thời cho trâu, bò uống nước điện giải khi ổn định mới cho trâu, bò nhập đàn.