Dê là một trong những loại vật nuôi đã được nuôi ở nước ta từ rất lâu. Nuôi dê không đòi hỏi đầu tư chi phí cao, có thể tận dụng được nguồn thức ăn có sẵn và công lao động nhàn rỗi. Nhưng việc nuôi dê đem lại nguồn thu nhập không hề nhỏ cho người chăn nuôi, đặc biệt nuôi dê cái sinh sản mang lại lợi nhuận rất cao. Tuy trong quá trình nuôi dê sinh sản, người chăn nuôi cần nắm rõ quy trình nuôi dê và thực hiện tốt kỹ thuật về làm chuồng, lựa chọn giống, chăm sóc nuôi dưỡng dê chu đáo ở các giai đoạn sinh trưởng cũng như sinh sản của dê thì khả năng thành công mới cao.
Mục Lục
Phương pháp nuôi dê cái thịt đang mang thai
Phương pháp, kĩ thuật nuôi dê cái sinh sản các thời kì: đang mang thai, sinh sản và sau sinh.
Thường thì dê thịt được nuôi thả, vì nuôi mà đỡ tốn thức ăn mới có lợi. Khi chăn thả ngoài đồng, dê đực cái nuôi chung nên chúng phối giống theo cách tự nhiên, lắm khi người chăn cũng không hay biết, mà dù có hay biết họ cũng mặc cho dê cấn chửa đi ăn chung bầy cho đến ngày đẻ con, chứ không có một chế độ nuôi dưỡng chu đáo nào như đối với dê sữa mang thai cả. Thậm chí có nhiều trường hợp buổi sáng cho dê mẹ theo bầy ra đồng, chiều người chăn bế con nó trở về… do loài dê sinh đẻ rất dễ.
Sau khi phối giống theo dõi nếu đến chu kỳ động dục bình thường (21 – 23 ngày) mà không thấy dê động dục trở lại là có thể dê thụ thai. Thời gian mang thai của dê trung bình là 150 ngày (biến động từ 145 – 157 ngày).
Ở ngoài bãi chăn thả, khi đau bụng đẻ, dê mẹ liền âm thầm tách ra khỏi bầy; để tìm vào lùm bụi nào gần đó sinh con. Khoảng vài ba giờ sau, mẹ con cứng cáp, dê dẫn con ra nhập bầy trở lại…
Trong thời gian dê mang thai cần chăn thả dê gần chuồng, nơi bằng phẳng, tránh đuổi đánh dê. Phải tách xa dê đực giống để tránh dê đực nhảy dê mang thai, dễ gây sẩy thai. Khoảng 5 – 7 ngày trước khi sinh cần giảm các loại thức ăn tinh, thay thế bằng các loại thức ăn thô để tránh sau sinh dê mẹ bị viêm vú, sốt sữa.
Kỹ năng chăm sóc dê thịt lúc sinh đẻ
Như trên đã nói, trong suốt thời gian mang thai. Dê cái thịt vẫn được nhập bầy đi ăn bình thường như những dê khác. Chỉ người chăn phát giác bụng nó to quá, lại đi đứng nặng nề chậm chạp; biết là dê chỉ còn một vài tuần nữa đẻ thì mới cho ở lại chuồng; để lo tẩm bổ cho dê mẹ và bào thai trong bụng nó. Những ngày này dê mẹ mới thực sự nghỉ ngơi, mới được ăn uống những thức ăn ngon miệng chứa đựng nhiều chất dinh dưỡng cao. Nó được nuôi trong ngăn chuồng riêng; hoặc được cầm cột vào một góc riêng biệt ấp áp và sạch sẽ…
Khi dê mẹ chuyển bụng, ta nên túc trực cạnh bên để chăm sóc cho nó; giống như cách chăm lo cho dê chửa đẻ vậy. Đẻ xong dê mẹ được uống nước cám, được ăn no và được sống tại chuồng thêm vài ba tuần cho thật khoẻ mạnh mới cho nhập bầy đi ăn trở lại.
Chăm sóc dê mẹ sau khi sinh
Sau khi việc sinh đẻ hoàn tất, nghĩa là nhau thai cũng đã xong, dê mẹ thường mệt nhoài. Ta nên cho dê mẹ uống nước cám pha muối để nó mau hồi sức. Chủ nuôi nên tranh thủ dùng khăn sạch nhúng nước ấm; để lau sạch bầu vú, âm hộ và thân sau nhơ nhớp của dê.
Nếu dê đói cứ cho ăn thỏa thích. Sau đó cho dê mẹ nằm trên ổ rơm để nghỉ ngơi. Và nên đạt các con nó nằm cạnh bên mẹ, để dê mẹ được yên tâm nằm nghỉ; và dê con cũng được ấm áp nhờ hơi ấm toát ra từ mình dê mẹ. Chỉ cần được nghỉ ngơi sau vài ba giờ, dê mẹ sẽ khoẻ khoắn lại ngay. Nếu dê chăn thả, trong vài ba tuần đầu; phải nhốt dê mẹ lại trong chuồng không cho theo bầy đàn. Chỉ khi dê con đã thực sự cứng cáp đủ sức đi theo dê mẹ ra đồng mới cho theo bầy.