Bồ câu là một loại động vật vốn đã có khả năng đề kháng rất tốt. Chính vì thế mà thông thường loại chim này cũng không bị mắc nhiều bệnh cho lắm. Tuy nhiên không phải vì thế mà chúng ta không tìm hiểu về phòng trị bệnh ở bồ câu. Với tâm lý chim có đề kháng tốt nhiều người thường chủ quan trong việc phòng ngừa bệnh. Tới lúc mắc phải bệnh thì không biết cách xử lý. Từ đó dẫn đến việc tiệt hại về kinh tế một cách nặng nề. Vậy thì hãy tham khảo làm sao để phòng bệnh cho bồ câu một cách tốt nhất nào.
Mục Lục
Thực hiện tiêm vắc xin
Tiêm phòng vaccine là một trong những yếu tố làm hạn chế dịch bệnh cũng như công tác quản lý dịch bệnh được tốt hơn, góp phần thúc đẩy phát triển chăn nuôi, hình thành cho người dân chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học và đảm bảo vệ sinh môi trường.Người chăn nuôi cần chủ động và nghiêm túc chấp hành việc tiêm phòng đầy đủ, đúng lịch các vaccine phòng chống bệnh ở vật nuôi theo pháp lệnh thú y: Ðối với chim bồ câu 3 ngày tuổi nhỏ vaccine Lasota hoặc ND.IB, 2 tuần sau nhỏ nhắc lại lần 2.
Sau đó cứ 1 – 2 tháng cho uống một liều vaccine ND.IB (hoặc Lasota) để phòng bệnh Newcastle và bệnh viêm phế quản truyền nhiễm. Tốt nhất đối với bồ câu ngoài 1 tháng tuổi tiêm vaccine nhũ dầu với liều 0,3 ml/con hoặc H1 (M) tiêm liều như cho gà để phòng bệnh Newcastle. Qua 10 ngày tuổi chủng đậu cho bồ câu. Cách dùng và liều dùng như chủng cho gà.
Thường xuyên vệ sinh
Phải luôn làm sạch tất cả phân và các chất bẩn. Khi có phân là có vi sinh vật gây bệnh, đặc biệt là Salmonella. Chỉ dùng thuốc sát trùng sau khi đã làm sạch bề mặt. Phải để khô hoàn toàn vì vi sinh vật gây bệnh không thể sống trong môi trường khô.
Bước 1
Làm sạch chất hữu cơ trước khi rửa. Hầu hết các thuốc sát trùng không có tác dụng diệt khuẩn nếu dụng cụ được sát trùng không sạch sẽ. Ðất, rơm, trấu, sữa, máu, phân gây bất hoạt thuốc sát trùng. Trước khi rửa bằng nước cần dùng chổi, xẻng hoặc các dụng cụ thích hợp làm sạch các chất hữu cơ bám trên nền chuồng, tường chuồng, trên bề mặt các dụng cụ chăn nuôi…
Bước 2
Rửa sạch bằng nước. Sau khi vệ sinh cơ học các chất hữu cơ tiến hành rửa sạch bằng nước. Ðối với dụng cụ, sàn, vách ngăn… bị chất bẩn bám chặt bề mặt lâu ngày, cần ngâm nước 1 – 3 ngày trước khi rửa. Ðối với một số chỗ khó rửa (các góc, khe…), phải dùng vòi xịt áp suất cao bằng hơi.
Bước 3
Tẩy bằng xà phòng, nước vôi hoặc thuốc tẩy. Dùng nước xà phòng, nước vôi 30% hoặc thuốc tẩy rửa để phun, dội rửa lên nền hoặc ngâm các dụng cụ chăn nuôi. Chuồng trại luôn cần thoát và sạch sẽ.
Bước 4
Sát trùng bằng thuốc sát trùng. Dùng thuốc sát trùng với liều lượng phù hợp. Cần kiểm tra pH nguồn nước trước khi pha loãng. Không được dùng nước cứng để pha thuốc sát trùng vì sẽ làm giảm hoặc làm mất tác dụng của thuốc sát trùng. Dùng nước có nhiệt độ phù hợp để pha loãng thuốc. Lưu ý thời hạn dùng thuốc và thời hạn dùng dung dịch thuốc sát trùng đã pha loãng. Cần đảm bảo đủ thời gian cho thuốc tiếp xúc với dụng cụ được sát trùng theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Khi phun thuốc sát trùng, phải mặc quần áo bảo hộ lao động.
Bước 5
Sau khi khử trùng bằng thuốc, cần phải để khô dụng cụ và trang thiết bị. Với chuồng nuôi, thời gian để khô trước khi thả gia súc, gia cầm vào là 1 – 2 ngày, không được để khô dưới 12 giờ.
Kiểm soát chặt chẽ
Về thức ăn, không được cho chim ăn thức ăn mốc, ẩm. Nước uống phải sạch hoặc nước vôi loãng. Cần vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, thoáng mát vào mùa hè, ấm áp vào mùa đông, tránh ẩm ướt vào mùa xuân. Thường xuyên kiểm tra chim nuôi, đặc biệt phát hiện sớm những bất thường trên đàn gia cầm như uể oải, ủ rũ, kém ăn; Kiểm tra lượng thức ăn, nước uống tiêu thụ hàng ngày để biết được tình trạng sức khỏe.
Cách ly kịp thời những vật nuôi có biểu hiện khác thường, chẩn đoán và điều trị nếu cần thiết, không được bán hoặc phát tán con vật ốm, chết và chất thải của chúng ra môi trường xung quanh. Khai báo ngay với cán bộ thú y cơ sở, chính quyền địa phương khi nghi ngờ gia cầm mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như cúm gia cầm… để được hướng dẫn phòng, chống.
Ðối với vật nuôi tái đàn, phải đảm bảo chỉ nhập giống rõ nguồn gốc, xuất xứ, có chứng nhận kiểm dịch của cơ quan thú y. Nhập giống bổ sung cần nuôi cách ly 2 – 3 tuần để theo dõi bệnh, đảm bảo giống khỏe mạnh mới cho nhập đàn.
Nắm rõ các bệnh thường gặp
Bệnh thương hàn: Bệnh thương hàn ở bồ câu là căn bệnh do vi khuẩn (có tên là Salmonella gallinacerum và S.enteritidis thuộc họ Enterbacteriacae) gây ra. Vi khuẩn này có thể gây bệnh cho tất cả các loại gia cầm như gà, vịt, ngan, ngỗng cũng như nhiều loài chim hoang dã khác.
Bệnh cầu trùng: Đây là căn bệnh thường xuất hiện ở bồ câu từ 1 – 4 tháng tuổi. Căn bệnh này thường xảy ra vào khoảng thời gian xuân – hè hoặc thu – đông. Bệnh cầu trùng ở bồ câu có thể lây nhiễm cho gà hoặc ngược lại.
Bệnh nấm diều: Căn bệnh này do một loại nấm có tên gọi Candidia albicans gây ra. Căn bệnh này hay xuất hiện ở bồ câu 1 – 2 tháng tuổi. Nguyên nhân mắc bệnh có thể là do thức ăn, nước uống không đảm bảo vệ sinh hoặc do dùng kháng sinh phổ rộng dài ngày.
Bệnh newcastle: Đây là một căn bệnh xảy ra do virus. Bồ câu mắc phải căn bệnh này thường có các triệu chứng như: chim ủ rũ, tiêu chảy phân trắng, diều căng đầy hơi hoặc không tiêu hóa được thức ăn, chân khô và có thể xảy ra đột tử. Nhiều con có thể có hiện tượng như bị vặn cổ, đầu ngửa lên và đi xoay vòng theo phía cổ bị vặn, đi đứng không vững. Những con này không chết ngay nhưng có khả năng lây nhiễm cao, cần tiêu hủy nhanh chóng và đúng cách để tránh làm dịch lan rộng.