Người nuôi trâu phải có kiến thức nhiều vấn đề để nghé con có thể mạnh khỏe phát triển ngay từ khi vừa mới sinh ra, đặc biệt là nghé cái chính là “chiếc máy in tiền” của người nuôi trâu. Những việc nhỏ nhặt tưởng chừng đơn giản nhưng nếu không chú trọng quan tâm cũng sẽ làm nông dân “lỗ vốn” nếu nghé bú sữa bị nhiễm bệnh, không đủ dinh dưỡng để phát triển, không cho sữa đạt năng suất cao về sau này. Để chăm sóc nghé con, người chăn nuôi cần chú ý một số điểm cơ bản được đề cập trong bài viết dưới đây.
Mục Lục
Chế độ nuôi dưỡng nghé non hợp lý
Nuôi dưỡng nghé nói riêng và nuôi dưỡng gia súc non nói chung có ý nghĩa rất quan trọng và ảnh hưởng rất lớn đến năng suất chăn nuôi các loại gia súc trưởng thành sau này. Chế độ nuôi dưỡng hợp lý nghé non thể hiện qua sự phát triển cơ thể một cách bình thường của nghé qua từng giai đoạn. Việc nuôi dưỡng và chăm sóc nghé hợp lý không chỉ để thu được mức tăng trọng theo dự kiến mà còn đảm bảo sự phát triển tốt hệ tim mạch, các cơ quan tiêu hóa và hô hấp cũng như các cơ quan vận động.
Thời kỳ nghé bú sữa dài hay ngắn tuỳ thuộc vào phương thức chăn nuôi. Thời kỳ này có thể là 5-6 tháng hoặc nhiều khi người ta cho nghé bú mẹ dài hơn, đến khi cạn sữa. Trong thời kỳ nuôi nghé bằng sữa người ta còn chia thành hai giai đoạn:
Giai đoạn nuôi dưỡng nghé sơ sinh 0 đến 10 ngày tuổi
Nghé mới sinh rất nhạy cảm với thời tiết và dễ bị nhiễm bệnh. Do đó chuồng nuôi cần bảo đảm sạch sẽ, tránh gió lùa và ẩm ướt. Nếu có điều kiện, nhất là trong trường hợp chăn nuôi quy mô gia trại, trang trại nên nuôi nghé trong cũi cá thể.
Nuôi nghé trong cũi là một biện pháp tiên tiến, bảo đảm vệ sinh phòng bệnh, tránh những tai nạn đáng tiếc cho nghé non, bảo đảm tỷ lệ nuôi sống cao.
Sau khi nghé đẻ 01 giờ thì cho ăn sữa đầu ngay. Lượng sữa đầu cho nghé ăn trong mấy ngày đầu phụ thuộc vào tình trạng của nghé và thường trong giới hạn 2-3 kg (tức là bằng khoảng 1/10 khối lượng cơ thể). Sữa đầu rất quan trọng, có tác dụng tẩy sạch đường tiêu hoá và cung cấp cho nghé các kháng thể, các dưỡng chất. Thời gian cho nghé ăn sữa đầu là 7-10 ngày. Mỗi ngày ăn 2-3 lần hoặc cho nghé bú tự do.
Giai đoạn nuôi dưỡng nghé bú sữa
Sau khi kết thúc giai đoạn sơ sinh, nghé được chuyển sang nuôi theo chế độ nghé bú sữa. Trâu đầm lầy có sản lượng sữa thấp, lượng sữa chỉ đủ nuôi con. Vì vậy nghé con lớn lên là dựa hoàn toàn vào sữa mẹ, cho nghé theo mẹ bú tự do. Người ta chỉ cần tác động qua thức ăn cho trâu mẹ để đảm bảo tiết đủ sữa cho con. Thường nghé được cai sữa lúc 4- 5 tháng tuổi nếu nuôi tách mẹ. Còn nuôi theo mẹ có thể tách mẹ hoàn toàn muộn hơn để nuôi theo đàn nghé tơ lỡ.
Cần tập cho nghé ăn được sớm các loại thức ăn, nhất là thức ăn thô xanh. Nghé càng sớm ăn được cỏ khô, cỏ xanh, cỏ ủ tươi, thức ăn tinh; thì càng có điều kiện phát triển tốt vào thời kỳ sau cai sữa. Ngày thứ 15 sau khi đẻ có thể tập cho nghé ăn thức ăn tinh. Ngày thứ 20 tập cho ăn cỏ khô, ngày thứ 30 tập cho ăn cỏ non, cỏ ủ tươi.
Nguyên tắc tập ăn là cho ăn từ ít đến nhiều. Thức ăn cho nghé phải sạch sẽ, phẩm chất tốt. Cần đảm bảo thường xuyên có nước uống sạch sẽ, đầy đủ. Nên bố trí máng thức ăn tinh, máng cỏ khô; và máng nước ngoài sân chơi để nghé có thể tự do liếm láp.
Trong điều kiện nuôi trâu trong các gia đình để lấy thịt hoặc sử dụng sức kéo; có thể để nghé trực tiếp bú trâu nhưng cũng cần chú ý cho nghé tập ăn; hoặc chăn thả tự do trên bãi chăn. Việc chăn thả trên bãi chăn ngoài vấn đề giúp nghé có thể tự liếm láp; sớm tập ăn còn tăng khả năng vận động; giúp cho quá trình trao đổi chất tăng và cơ thể chúng thêm rắn chắc, khoẻ mạnh.