Nếu thức ăn không đáp ứng đúng với nhu cầu chất lượng có thể gây ra ảnh hưởng rất nghiêm trọng tới quá trình tiêu hóa, hấp thu và quá trình trao đổi vật chất của cơ thể gia súc. Có những loại thức ăn khi gia súc ăn vào sẽ gây hại đến sức khỏe. Khi nạp vào những loại thức ăn có hại này sức sản xuất và đề kháng của cơ thể gia súc bị giảm sút, khả năng phòng bệnh yếu đi, dễ mắc các bệnh mãn tính, ký sinh trùng và các loại bệnh truyền nhiễm.
Mục Lục
Những loại thức ăn sẵn có hại
Có thể chia thức ăn có hại thành các loại: thức ăn sẵn có hại, thức ăn phối hợp và chế biến không tốt, những loại cây cỏ độc.
Thức ăn ở trạng thái không tốt
Chẳng hạn như thức ăn bị sương ướt, bị hấp hơi, bị thối hỏng. Thân và lá cây bị ngâm nước mưa, sau khi thu hoạch dễ sinh biến chất, thành mầu nâu hoặc mầu đen, mất mùi vị thơm ngon, dễ hấp hơi hoặc bị thối nát, khi ăn vào dạ dày hay ruột dễ bị lên men, sinh hơi tạo ra nhiều chất khí làm cho động vật bị mắc bệnh chướng hơi dạ cỏ (loài nhai lại), hay chướng hơi manh tràng (loài ngựa).
Thức ăn có lẫn dị vật
Thức ăn có những dị vật như dây thép, đinh, thủy tinh, gỗ, đất… ở bãi chăn gần các xí nghiệp công nông nghiệp, khu quân sự… Khi trâu bò ăn vào thủng dạ tổ ong, bị viêm màng bọc ngoài của tim. Thức ăn có lẫn đất bùn, cát sỏi… khi cho động vật ăn sẽ tích lũy lại nhiều đất, cát, sỏi trong ruột gây bí ỉa, đau bụng, tê liệt ruột, niêm mạc ruột thối loét… Cho nên, trước khi cho ăn phải rửa sạch thức ăn. Ở những vùng bị lụt, sau khi nước rút đi, cỏ dính nhiều bùn đất, trâu bò ăn dễ bị chứng tắc ruột, nghẽn dạ lá sách, chướng hơi…
Thức ăn có lẫn những chất hóa học có hại
Những hợp chất kim loại, những chất sát trùng khi xử lý hạt giống, những loại phân hóa học, thuốc trừ sâu, diệt cỏ, kích thích sinh trưởng cây trồng… Hoặc những thứ củ mọc cạnh những cây có độc (như sắn mọc cạnh cây xoan) cũng có chất độc. Ở nước ta cũng thấy nhiều trường hợp động vật trúng độc do ăn phải thân ngô, bèo… vì phun thuốc trừ sâu có đồng, thuốc DDT, 666 hoặc bón phân đạm.
Ở một số bãi chăn thả có lẫn một số cây cỏ có chứa độc tố như cyanide có trong lá, củ cây sắn, một số cây họ đậu, hạt lanh… chất độc gosipon có trong hạt bông, chất độc mimosin có trong lá, hạt cây keo dậu, chất độc cumarin có trong cỏ ba lá, chất độc của cây lá ngón, chất độc ở một số loại củ đang nảy mầm như khoai tây, măng tre, nứa… Gia súc ăn phải sẽ bị ngộ độc cấp tính và có thể chết nếu không được cấp cứu và giải độc kịp thời.
Thức ăn có vi sinh vật gây bệnh
Thức ăn có vi khuẩn, nấm, kí sinh trùng gây bệnh cho động vật; hay thức ăn có nấm bệnh cây, sâu bọ. Cỏ ở những bãi chăn trước đã chôn xác chết vì bệnh nhiệt thán có thể mang nha bào nhiệt thán. Nhiều loại nấm hoặc là nấm bệnh hại cây. Hoặc là nấm bệnh hại động vật có thể theo thức ăn vào cơ thể gây trúng độc. Cỏ, rơm mang trứng giun đũa đã truyền bệnh cho động vật. Trường hợp động vật non hay liếm láp cũng dễ gây bệnh.
Các loại cây mọc ở nước như bèo, rau muống, súng, niễng, ấu.. có thể mang những ấu trùng của sán lá gan trâu bò, sán lá gan nhỏ, sán lá ruột lợn… Những cơ sở chăn nuôi tập trung, khi tập trung phân, nước tiểu, nước dọn chuồng ra các hồ, ao (có thả rau) hoặc đổ trực tiếp vào các ruộng rau cho động vật ăn là một trong những nguyên nhân tích lũy nhiễm ngày càng nặng bệnh sán lá.
Ăn phải những loại thức ăn này thì động vật bị trúng độc (hoặc trúng độc tích lũy). Trong đó hệ thống thần kinh, bộ máy tiêu hóa, gan thường bị trúng độc nhiều nhất. Cũng có khi chất độc vào máu gây trúng độc toàn thân. Khi cho ăn phải chú ý loại trừ hay xử lý trước.
Những loại thức ăn có hại do chế biến và bảo quản không tốt
Thức ăn chế biến không tốt, không đúng kỹ thuật: chẳng hạn như thức ăn dính bùn, đất hoặc loại quả cứng, loại có lẫn chất nhọn, sắc, thức ăn ủ lên men làm không đúng phương pháp (quá chua hoặc quá thối mốc…)
Do phương pháp cho ăn không tốt: chẳng hạn như số lần cho ăn trong ngày, thay đổi đột ngột từ thức ăn khô sang thức ăn xanh non nhiều nước (đầu mùa xuân…)
Phối hợp khẩu phần thức ăn không hợp lý: chẳng hạn trong thức ăn thiếu chất dinh dưỡng, thiếu chất khoảng, vitamin hoặc chất lượng các thứ đó không tốt hoặc tỷ lệ các thứ đó không hợp lý. Về tỷ lệ cho ăn không hợp lý đáng chú ý nhất; là giữa thức ăn tinh (nhất là thức ăn có đạm) và thức ăn thô, tỷ lệ Ca/P. Khi thức ăn thiếu đặc biệt là Ca và P. Thì cần chú ý và cây cỏ cũng thiếu các chất đó. Do vậy, khi định khẩu phần mà không chú ý đến hàm lượng các chất đó. Thì sau khi ăn một thời gian động vật (đặc biệt là động vật ăn cỏ) sẽ sinh bệnh.
Cho ăn không đủ lượng thức ăn có nhiều nước. Thiếu nước, thức ăn quá khô, trâu bò khó nhai lại, sự tiêu hóa sẽ khó khăn.
Do sự chế biến và phối hợp thức ăn không hợp lý, có thể làm cho sự tiêu hóa; và trao đổi chất của cơ thể vật nuôi mất bình thường; sức đề kháng của cơ thể giảm sút, tỷ lệ vật nuôi mắc bệnh mãn tính cao; sức sản xuất của vật nuôi sút kém.
Nguyên nhân thức ăn chế biến không tốt
Thực tế ngành chăn nuôi cho thấy thức ăn chế biến không tốt có thể do những nguyên nhân sau đây:
– Thức ăn ủ men không đúng quy trình kỹ thuật. Quá chua sinh bệnh đi ỉa chảy, làm cho lợn gầy còm.
– Sau mùa đông khô hanh, đột ngột thả chăn trâu bò ra bãi cỏ non, vật nuôi quá tham ăn. Đặc biệt ăn cả cỏ ướt sương, do đó sinh bệnh chướng hơi dạ cỏ. Cần phải thay đổi chế độ ăn từ từ trước khi thả chăn những ngày đầu. Cho ăn lót dạ bằng rơm, cỏ khô và cho uống nước pha muối.
– Lợn cho ăn thiếu khoáng phát sinh bệnh mềm xương, còi xương. Nhất là lại không được vận động ngoài ánh sáng.
– Trâu bò ăn thức ăn quá khô, uống nước thiếu, sinh bệnh nghẽn dạ lá sách.