Cá lóc đang là một trong những loại thủy sản được săn đón nhiều nhất hiện nay bởi thịt của chúng có chứa rất nhiều chất dinh dưỡng. Hơn nữa, cá lóc rất ít xương, cũng vì thế mà người ta thường dùng cá lóc để nấu cháo nhằm bù thêm chất dinh dưỡng cho trẻ em. Chính vì vậy nên nuôi cá lóc thương phẩm đang được rất nhiều hộ dân lựa chọn là hình thức kinh doanh. Quá trình sinh sản và nuôi dưỡng cá lóc cũng không hề khó khi chúng thích nghi rất tốt với môi trường nước và rất nhanh lớn. Cùng tìm hiểu quá trình sinh sản và nuôi cá lóc thương phẩm qua bài viết dưới đây nhé.
Mục Lục
Mô hình nuôi cá lóc thương phẩm đang dần phổ biến
Nuôi cá lóc có thể đầu tư ở các mức độ khác nhau, không nhất thiết cần nhiều diện tích. Người nuôi có thể đầu tư ở mức độ sản xuất thâm canh nhưng cũng có thể sử dụng các ao nhỏ hoặc nuôi trong bè, giai, bể xi măng hoặc lót bạt.
Vì thế, nghề nuôi cá lóc vừa phù hợp với những hộ nghèo nguồn vốn đầu tư ít, vừa phù hợp với các doanh nghiệp đầu tư nuôi với quy mô trang trại. Đây vừa là mô hình nuôi góp phần xóa đói giảm nghèo, vừa là mô hình làm giàu cho các doanh nghiêp của Việt Nam, nên cần được đầu tư phát triển và nhân rộng.
Đặc điểm của cá lóc
- Cá lóc thường sống ở đồng ruộng, sông, kênh rạch và có khả năng thích ứng cao với sự biến động về nhiệt độ nước của môi trường.
- Thức ăn ưa thích là động vật và thay đổi theo từng giai đoạn phát triển của cá.
- Cá lóc là loài có tốc độ tăng trưởng khá nhanh, trong điều kiện nuôi tốt thì sau 6 – 8 tháng cá có thể đạt 0,5 – 1,2 kg/con; cá cái thường lớn nhanh hơn cá đực.
- Cá lóc đẻ lần đầu khoảng 5 – 6 tháng tuổi, tốt nhất ở giai đoạn 1 – 4 tuổi, sinh sản tập trung từ tháng 4 – 8 và có tập tính bảo vệ trứng và cá con.
Nuôi cá lóc trong ao
- Diện tích ao: 200 – 1.000m2, mật độ: 40-50 kg/100m2
- Thức ăn: Nếu dùng cá tạp, phế phẩm lò mổ, khẩu phần 5 – 7% khối lượng/ngày. Nếu dùng thức ăn viên (đảm bảo 45% đạm) 1,5-2% khối lượng cá/ngày.
- Nuôi khoảng 45 – 60 ngày cá thành thục.
- Chọn cá bố mẹ: Cá đực cơ thể thon, bụng nhỏ, màu sắc rõ các vạch trên thân, không xây sát. Cá cái: bụng to, mềm, lỗ sinh dục màu hồng, lồi, trứng vàng rơm, bóng, đều.
Chăm sóc và quản lý ao nuôi
- Có rất nhiều loại thức ăn cho các lóc mà người nuôi có thể sử dụng, tùy vào từng giai đoạn phát triển của cá mà lựa chọn loại thức ăn phù hợp.
- Thức ăn tươi sống: cá biển, cá tạp, tôm, tép, cua, ốc…
- Thức ăn chế biến hay còn gọi là thức ăn công nghiệp có bán trên thị trường với nhiều kích cỡ và chủng loại. Ví dụ như thức ăn dành cho cá lóc 9001của tập đoàn De Heus
- Cho cá ăn 2 lần/ngày vào buổi sáng và chiều mát. Khẩu phần như sau:
- Cá < 10g: cho ăn từ 10 – 12% khối lượng thân
- Cá từ 11 – 100g: cho ăn 5 – 10% khối lượng thân
- Cá > 100g: cho ăn 3 – 5% khối lượng thân
- Khẩu phần ăn còn phụ thuộc vào từng thời điểm, điều kiện môi trường, thời tiết và tình hình dịch bệnh
- Thường xuyên kiểm tra sức khỏe của cá, theo dõi nhu cầu thức ăn tránh cho ăn quá nhiều hay quá ít. Thay nước hàng ngày khoảng 30% đối với cá lớn, cá nhỏ sau 2 – 3 ngày thì thay nước 1 lần
- Định kỳ bổ sung các loại vitamin, khoáng, men tiêu hóa 10 – 15 ngày/lần nhằm tăng sức đề kháng với mầm bệnh, giảm stress, hấp thu thức ăn tốt hơn và cá đồng cỡ hơn. Sát khuẩn môi trường nước thường xuyên 7 – 10 ngày/lần trong mùa có dịch bệnh hay từ 12 – 15 ngày/lần trong điều kiện bình thường.
Thời điểm đẻ và ấp trứng
Cá lóc đẻ tự nhiên
Có thể đào hố đất nhỏ (2-4 m2), độ sâu 0,8-1,2m, có nguồn nước cấp vào ao đẻ. Mặt hố có thể thả ít bèo, rau muống hoặc làm vỉ che nắng. Mật độ 1 cặp/1 ao (1 đực, 1 cái).
Nếu sử dụng ao to cho cá lóc đẻ cần tiến hành như sau:
- Cải tạo ao, vét bùn, rải vôi, phơi đáy.
- Lấy nước vào ao, để lắng trong 3-5 ngày. Duy trì mực nước 0,8-1m.
- Làm tổ cho cá đẻ bằng lá dừa cắm xuống ao hoặc rau, bèo, mỗi tổ cách nhau 3-4m, cắm cách đáy 0,3-0,5m. Để sẵn trong tổ rau muống, rơm rạ để giữ trứng khi cá đẻ.
Kích đẻ bằng phương pháp nhân tạo
Yêu cầu: Chọn cá chính xác, đặc biệt cá đực; kích thích tố có hoạt tính cao.
Đối với cá đực: Tiêm trước cá cái 8-10 tiếng, liều lượng: HCG 3.000 – 4.000 UI/kg hoặc tiêm cùng với lần tiêm thứ nhất của cá cái.
Đối với cá cái: tiêm 2 lần:
- Liều 1: 500 – 1.000 UI/kg cá cái.
- Liều 2: tiêm sau lần 7 – 8 giờ tiếp tiêm lần 2: liều lượng: 3 – 5 não + 3.000 – 4.000 HCG UI/kg cá cái.
- Sau 12 – 15 giờ cá sẽ đẻ trứng
- Sau khi tiêm xong, có thể cho cá đẻ trong bể xi măng, bể đất lót bạt hoặc cho cá đẻ dưới ao. Bể đẻ có diện tích 2-3m2, độ sâu 0,3-0,5m; mật độ 1 cặp/1 bể. Nếu cho đẻ dưới ao cần cắm tổ cho cá, các tổ cách nhau 3-4m.
Quá trình ấp trứng
- Có thể sử dụng nhiều phương tiện sẵn có để ấp trứng cá lóc: thau, bể nhựa,…
- Mực nước: 0,2-0,5m
- Mật độ ấp trứng trung bình: 2.000 trứng/dm2
- Thay nước: 6 giờ/lần
- Nguồn nước ấp: sạch, không nhiễm bẩn và nhiễm bệnh
- Chú ý: loại bỏ trứng ung (có màu trắng đục)
- Sau khi cá nở 2 ngày có thể chuyển cá ra các dụng cụ có diện tích lớn hoặc các ao nhỏ đã được cải tạo đúng kỹ thuật.
Kỹ thuật ương cá lóc
Ương cá lóc trong bể
Thức ăn:
- Dùng động vật phù du hoặc trứng đã luộc chín đánh tan trong nước cho cá ăn.
- Cho ăn 4-6 lần/ngày.
- Lượng cho ăn: thỏa mãn nhu cầu
Lưu ý bể nuôi:
- Mật độ ương: 2.000-4.000 con/m2.
- Sau 30 ngày, san thưa còn 1.000-2.000 con/m2
- Mực nước: 0,5-0,8m.
- Ngày thay nước 2-4 lần, mỗi lần thay 30% thể tích nước.
- Sau khoảng 10 ngày ương, tập cho cá ăn tép, cá nhỏ băm nát.
Ương cá lóc trong giai, vèo
- Yêu cầu: loại lưới mùng mắt nhỏ cá bột không lọt. Nước ao sạch, mát.
- Mật độ: 10.000-20.000/m2 sau 1 tháng san thưa còn 5.000-10.000 con/m2
- Thức ăn: tương tự như ương trong bể xi-măng, bể nhựa.
- Sau khoảng 10 ngày ương, tập cho cá ăn tép, cá nhỏ băm nát.